TÜV Rheinland ( Đức ) đang nghiên cứu cách sử dụng tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho mạng lưới điện đường sắt trong một dự án nghiên cứu kéo dài 14 tháng. Các dự án điện mặt trời được phát triển dọc theo đường sắt để cung cấp điện trực tiếp vào mạng lưới điện hiện hữu không phải là mới lạ. Nhà phát triển dự án NLMT của Đức Enerparc đã xây dựng các hệ thống đầu tiên ở miền Bắc nước Đức cho mục đích này. Tuy nhiên, những dự án như vậy không chắc chắn thành công vì phải tuân theo một số đặc thù về kỹ thuật và pháp lý.
Do đó, Trung tâm Nghiên cứu Vận tải Đường sắt Đức (DZSF) thuộc Cơ quan Đường sắt Liên bang Đức đã giao nhiệm vụ cho TÜV Rheinland nghiên cứu tiềm năng của các ứng dụng điện mặt trời như vậy trong cơ sở hạ tầng đường sắt thông qua một dự án nghiên cứu kéo dài 14 tháng. Một nhóm liên ngành gồm các chuyên gia về đường sắt và năng lượng mặt trời sẽ khảo sát những ứng dụng điện mặt trời nào tương thích với cơ sở hạ tầng đường sắt để cung cấp năng lượng mặt trời trực tiếp vào mạng lưới điện đường sắt. Ngoài ra, cần xác định mức độ điện mặt trời có thể làm tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng cung cấp cho phương tiện.
“Nếu có thể tạo ra năng lượng dọc theo đường ray và được phân bổ rộng rãi và cung cấp trực tiếp điện năng giúp tận dụng tốt hơn cơ sở hạ tầng hiện có và giảm tổn thất năng lượng thông qua chuyển đổi và vận chuyển lặp lại, phương thức vận tải đường sắt có thể cải thiện hơn nữa để giảm thiểu khí nhà kính”. Jürgen van der Weem, chuyên gia công nghệ đường sắt tại TÜV Rheinland giải thích. Ông nói thêm rằng có nhiều lựa chọn khác nhau để tích hợp điện mặt trời vào đường sắt, chẳng hạn như trong đường ray hoặc trên các tấm chắn tiếng ồn. Thách thức cụ thể nằm ở việc cung cấp điện mặt trời được tạo ra trực tiếp vào mạng điện 15kV một pha.